Viêm khớp ngón tay không phải là căn bệnh xa lạ gì đối với những người cao tuổi tại Việt Nam. Đây được cho là căn bệnh của tuổi già và rất khó điều trị. Tuy nhiên, nắm rõ những nguyên nhân, dấu hiệu đầu tiên của bệnh có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng và cải thiện được chức năng của các khớp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc xung quanh căn bệnh viêm đau khớp ngón tay!
Viêm khớp ngón tay là gì?
Viêm khớp ngón tay là tình trạng viêm sưng các khớp của ngón tay do lớp sụn đầu xương đã bị bào mòn, thoái hóa qua thời gian. Căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào của người bệnh, và nó luôn diễn biến từ từ trong nhiều năm liền chứ không xuất hiện đột ngột.
Viêm khớp ngón tay có thể là biểu hiện của tình trạng thoái hóa khớp ngón tay hoặc viêm khớp dạng thấp. Khi các lớp sụn bị bào mòn hoặc bị phá hủy, đầu các khớp xương va chạm, cọ xát vào nhau khi cử động khớp ngón tay. Xương mới tiếp tục tăng trưởng khiến tình trạng sưng viêm sẽ ngày càng nghiêm trọng và có khả năng khiến cho bàn tay người bệnh trở nên méo mó, biến dạng.

Viêm khớp ngón tay được cho là căn bệnh của tuổi già, của sự lão hóa. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể do béo phì, thừa cân, do hệ miễn dịch bị rối loạn hoặc do di truyền. Đặc biệt, phụ nữ thường có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp ngón tay cao hơn ở nam giới.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp ngón tay
Lão hóa: Qua thời gian lao động nặng, lao động quá sức, các lớp sụn khớp sẽ bị bào mòn. Đây chính là nguy cơ lớn nhất dẫn đến viêm khớp ngón tay.
Chấn thương: Các chấn thương tại khớp ngón tay nếu không được điều trị đúng cách sẽ khiến người bệnh khó có thể phục hồi các chức năng cho khớp. Thông thường, bong gân, gãy xương, thậm chí chỉ là những va chạm nhỏ cũng có thể khiến các lớp sụn khớp bị tổn thương. Nếu không điều trị kịp thời thì tình trạng đó sẽ dẫn đến viêm khớp ngón tay.
Hệ miễn dịch bị rối loạn: Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp dạng thấp ở ngón tay. Vị trí thường xuất hiện nhất là ở các khớp giữa ngón và các khớp gần với bàn tay.
Di truyền: Dây chằng khớp bị lỏng, khớp bị biến dạng, sức đề kháng yếu,… là những yếu tố di truyền khiến cho một người khỏe mạnh dễ mắc phải căn bệnh nhức nhối này.
Vận động sai tư thế: Hoạt động cầm, nắm sai thế hoặc vận động quá sức, làm cho các ngón tay bị tổn thương.
Thừa cân: Người thừa cân có khả năng mắc bệnh cao hơn. Do họ thường xuyên hấp thụ các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa mà tình trạng đau khớp ngón tay được kích hoạt và trở nên trầm trọng hơn.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp ngón tay
Đau khớp ngón tay: Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, buốt nhói tại các gốc ngón tay hoặc đau cổ tay, đau khớp ngón tay cái và các khớp liên quan mỗi khi vận động. Mới đầu chỉ cảm thấy đau khi cầm, nắm nhưng về sau cả khi không làm gì thì vẫn cảm nhận rõ rệt những cơn đau.
Biến dạng ngón tay: Tình trạng ngón tay bị viêm gây đau nhức và sưng đỏ, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ khiến ngón tay dễ bị biến dạng. Các khớp ngón tay sẽ bị lệch về một phía, gồ hẳn ra.
Phạm vi chuyển động bị thu hẹp: Tay bị giảm hẳn sức mạnh, khó cầm nắm và cử động ngón tay. Các khớp trở nên khô cứng, khi cố cử động sẽ phát ra tiếng kêu và gây đau.
Chẩn đoán viêm khớp ngón tay
Để chẩn đoán viêm khớp ngón tay, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám. Tại đây, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng để có được lộ trình điều trị phù hợp.
Nghiên cứu bệnh sử: Điều đầu tiên mà người bệnh cần làm để được chẩn đoán chính xác là cung cấp cho bác sĩ những thông tin chi tiết về bệnh sử của mình. Về những chấn thương đã có trong quá khứ, về tình trạng bệnh viêm khớp của các thành viên trong gia đình,… Bước này sẽ tạo cơ sở để bác sĩ xác định được phần nào nguyên nhân gây ra viêm khớp ngón tay ở người bệnh.
Kiểm tra chức năng: Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cử động một số động tác để xem khả năng vận động khớp đến đâu. Bác sĩ sẽ xác định phạm vi chuyển động khớp, khi cử động có phát ra tiếng kêu hay không, và hỏi xem người bệnh có cảm thấy đau đớn hay không. Bước này sẽ giúp bác sĩ xác định cơ bản được mức độ viêm khớp ngón tay ở người bệnh.

Chụp chiếu: Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán thông qua máy móc như chụp X-quang sẽ giúp kiểm tra mức độ và diễn biến của bệnh. Thông qua kỹ thuật này, người bệnh sẽ được nhìn rõ những vị trí sưng viêm của khớp cũng như độ bào mòn của sụn bọc khớp.
Cách chữa đau khớp ngón tay
Viêm khớp ngón tay cũng như các loại bệnh viêm khớp khác, rất khó để chữa trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy vậy người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp để cải thiện tình trạng bệnh và ngăn chặn bệnh phát triển mạnh thêm.
1. Bổ sung dưỡng chất nuôi dưỡng khớp
Glucosamine, chondroitin, Omega 3, Vitamin E và các chống oxy hóa mạnh kháng là những dưỡng chất đặc biệt quan trọng để nuôi dưỡng và bảo vệ sụn khớp. Người dùng có thể bổ sung các chất này từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày, tuy nhiên khả năng hấp thụ chưa thật sự cao. Lời khuyên tốt nhất là bổ sung từ các loại viên uống, thực phẩm chức năng bảo vệ chuyên biệt.
Tùy theo tình trạng bệnh mà cơ thể sẽ cần những chất khác nhau. Nếu trường hợp bị đau khớp ngón tay do thoái hóa sụn, người bệnh nên bổ sung kết hợp glucosamine, chondroitin. Có thể bổ sung thêm Omega 3 và Vitamin E để tăng khả năng bảo vệ sụn khớp.
Với người viêm khớp ngón tay do viêm khớp dạng thấp nên bổ sung Omega 3 để giảm tình trạng sưng, viêm. Sau đó kết hợp sử dụng thêm glucosamine ở dạng Sulfate để giảm đau và phục hồi sụn. Không dùng chondroitin cho nhóm đối tượng này.
Xem thêm: Top 8 viên uống Glucosamine tốt nhất của Úc
2. Uống và tiêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Chỉ sử dụng thuốc khi bác sĩ yêu cầu vì uống hoặc tiêm thuốc cho trường hợp viêm khớp ngón tay có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Các loại thuốc này không điều trị dứt điểm bệnh mà cũng chỉ dừng lại ở mức giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn là thuốc kháng viêm không Steroid, thuốc giảm đau chứa Paracetamol, Axit Hyaluric…
3. Tập luyện nhẹ nhàng
Tập luyện, vận động nhẹ nhàng là giải pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm khớp tay. Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu hoặc bài tập vận động ngón tay để tăng sức mạnh và sự linh hoạt cho khớp.
Trong thời kỳ này, người bệnh viêm khớp ngón tay cần hạn chế các thao tác mở nắp chai, lọ, cầm nắm các vật nặng để giữ cho các khớp này được an toàn tuyệt đối.

4. Phẫu thuật khớp ngón tay
Người bệnh chỉ nên thực hiện phương pháp điều trị này nếu được bác sĩ khuyến nghị, khi mà bệnh viêm khớp ngón tay đã quá trầm trọng, hoặc các phương pháp kể trên không đem lại hiệu quả được như ý. Người bệnh có thể phải hàn xương để loại bỏ hoàn toàn cơn đau, thay khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại để phục hồi chức năng,…
Phòng ngừa bệnh viêm khớp ngón tay
Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương khớp: Để không trở thành nạn nhân của viêm khớp ngón tay, bạn cần bổ sung đầy đủ canxi, Omega 3, glucosamine và chú ý điều chỉnh cân nặng của mình.
Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo chuyển hóa vì chúng sẽ kích hoạt tình trạng sưng viêm tại các khớp nặng hơn. Bên cạnh đó, thực phẩm như chuối tiêu, cà, măng tươi, rau muống… cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau nhức, buốt nhói ở các khớp viêm.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc làm rõ được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh viêm khớp ngón tay. Hy vọng rằng, với bài viết này, bạn đọc sẽ ý thức hơn về sức khỏe của chính bản thân và những người thân trong gia đình. Cùng nhau rèn luyện sức khỏe thật tốt để không phải gánh chịu những cơn đau nhức về sau!