Thoát vị đĩa đệm cổ: Dấu hiệu, triệu chứng và điều trị

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

thoat vi dia dem co

Thoát vị đĩa đệm cổ là bệnh gì?

Đĩa đệm là một bộ phận nằm giữa hai đốt sống, có cấu tạo gồm một bao xơ chắc chắn bao bọc phần nhân nhầy có tính đàn hồi bên trong, hoạt động như một bộ giảm xóc, giúp hai đốt sống không ma sát trực tiếp lên nhau khi cơ thể thực hiện các động tác chuyển động. 

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay còn gọi tắt là thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng đĩa đệm giữa các đốt sống cổ, thường thấy nhất là C4, C5, C6, bị tổn thương, bao xơ bị rách khiến nhân nhầy tràn ra chèn ép các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống hoặc ống sống.

Thoát vị đĩa đệm cổ có thể xảy đến với bất kỳ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên thường gặp nhất là những người trong độ tuổi lao động từ 30-50, ít gặp ở người trẻ tuổi. 

Nam thường có tỉ lệ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cao hơn nữ và người gặp vấn đề về cân nặng như thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cổ cao hơn.

Bệnh thoát vị đĩa đệm cổ có nguy hiểm không?

Tùy theo tình trạng và mức độ, bệnh có thể gây các cơn đau, yếu và teo cơ, ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt hằng ngày. 

Ở mức độ nặng bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như bại liệt, hẹp ống sống, hội chứng chèn ép tủy, hội chứng rối loạn thần kinh thực vật,…

Nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cổ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm, chủ yếu nhất là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Theo thời gian, bao xơ yếu dần, dễ bị tổn thương hơn, chúng thậm chí có thể bị rách chỉ bởi một chấn thương nhẹ hoặc một cú xoay người, khiến nhân nhầy dễ tràn ra. Đĩa đệm ở cổ lại là một trong những bộ phận dễ bị thoái hóa nhất do nằm ở vị trí dễ bị tổn thương, phải nâng đỡ toàn bộ trọng lượng phần đầu và thường xuyên phải hoạt động.

Một nguyên nhân khác cũng phổ biến không kém là do các vận động sai tư thế hoặc duy trì tư thế bất lợi cổ trong một thời gian dài. Các công việc lao động nặng hoặc nhân viên văn phòng là những người dễ bị thoát vị đĩa đệm cổ theo kiểu này.

thừa-cân

Các chấn thương mạnh như tai nạn giao thông, té ngã mạnh, làm thương tổn trực tiếp đến đĩa đệm cũng sẽ gây ra thoát vị đĩa đệm cổ. Các vận động viên thể thao cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm cổ do quá trình tập luyện và thi đấu.

Di truyền cũng là một yếu tố có thể xét đến. Cha mẹ bị thoát vị đĩa đệm hoặc có vấn đề về cột sống thì con cái cũng có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm cổ.

Người thừa cân hoặc béo phì sẽ có đĩa đệm dễ bị thoát vị hơn người khác do chúng phải hoạt động nhiều hơn để chống đỡ trọng lượng cơ thể.

Hút thuốc lá cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm nói chung do cơ thể bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi mô, cơ, khiến chúng yếu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ

Các dấu hiệu đầu tiên và dễ thấy nhất ở người có đĩa đệm cổ bị thoát vị là đau nhức, tê bì chân tay và yếu cơ.

Đau nhức: Cơn đau có thể bắt đầu từ vị trí đốt sống có đĩa đệm bị thoát vị sau đó lan ra các vùng xung quanh, gây đau cổ, thậm chí cả vùng bả vai, gáy và cánh tay.

Ngứa và tê bì: Nếu tủy sống bị khối thoát vị chèn ép, người bệnh sẽ cảm thấy các cơn tê ngứa từ cổ lan dọc sống lưng đến toàn thân. Nếu các rễ thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể bị tê bì, nặng hơn có thể bị rối loạn cảm giác, có các cơn nóng lạnh bất chợt.

Hạn chế vận động. Các cử động vùng cổ và cánh tay như cúi, ngửa đầu, xoay đầu ra sau, đưa tay lên cao có thể gặp khó khăn, dẫn đến các cơn đau đột ngột. Thường thì các cơn đau này sẽ giảm khi nghỉ ngơi.

Yếu và teo cơ: Khối đĩa đệm thoát vị khi chèn vào tủy sống có thể dẫn đến tình trạng yếu cơ các chi, thường cơ chân sẽ yếu trước, dẫn đến khó giữ thăng bằng khi chạy nhảy, thậm chí đi đứng cũng gặp trở ngại, dễ té ngã. Máu huyết bị đĩa đệm chèn ép không lưu thông đến các cơ cũng sẽ khiến các cơ thiếu dinh dưỡng và oxy, dẫn đến teo cơ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Lâu dần biến chứng thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến bại liệt hoàn toàn.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ

Bác sĩ có thể chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ bằng cách xem bệnh sử và khám lâm sàng. Bệnh nhân sẽ được hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh án. Các bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số động tác đơn giản để đánh giá sức mạnh cơ, chuyển động khớp. 

Một số dây thần kinh từ cột sống cổ sẽ di chuyển đến cánh tay, do vậy các bác sĩ sẽ làm một số bài kiểm tra thể chất thần kinh để xem các dây thần kinh hoạt động thế nào.

Ngoài ra, một số kiểm tra cận lâm sàng khác cũng sẽ cần thiết:

  • Chụp X-quang giúp xác định tình trạng đốt sống cổ. Chụp tủy cũng có thể cho biết liệu đĩa đệm bị thoát vị có đang chèn ép, gây áp lực lên tủy sống không.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để có cái nhìn rõ hơn về tình trạng tủy sống. MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về đĩa đệm, dây chằng, tủy sống, rễ thần kinh và các khối u nếu có.
  • Các xét nghiệm vận tốc dẫn truyền thần kinh cũng được dùng trong một số trường hợp nhằm kiểm tra các dây thần kinh để xác định xem các dây thần kinh cột sống cổ đang hoạt động như thế nào đồng thời chỉ ra vị trí bị chèn ép.
  • Điện cơ ký cũng thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm vận tốc dẫn truyền thần kinh, để xác định các vấn đề về thần kinh ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cổ

Tự điều trị tại nhà: 95% trường hợp các cơn đau do thoát vị đĩa đệm cổ sẽ có chuyển biến tốt hơn trong vài ngày và hết hoàn toàn trong khoảng 4-6 tuần. 

Hạn chế các hoạt động làm các cơn đau trầm trọng hơn, chườm nóng, lạnh luân phiên và sử dụng các thuốc giảm các triệu chứng sưng viêm sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng.

Sử dụng các thuốc kê theo toa theo chỉ định của bác sĩ:

Các thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) như aspirin, naproxen, ibuprofen, celecoxib,…; các thuốc giảm đau, như acetaminophen. Tuy nhiên cần lưu ý, sử dụng lâu dài những thuốc này có thể dẫn đến nhờn thuốc và ảnh hưởng xấu đến chức năng các cơ quan khác như dạ dày, gan, thận,…

Thuốc giãn cơ như methocarbamol, carisoprodol, cyclobenzaprine có thể được sử dụng để kiểm soát các cơn co thắt cơ bắp.

Steroid có thể được chỉ định dùng uống để giảm sưng và viêm dây thần kinh với liều lượng giảm dần trong năm ngày.

Tiêm steroid

Vật lý trị liệu: mục tiêu của vật lý trị liệu là giúp người bệnh quay trở lại với hoạt động thường ngày càng sớm càng tốt đồng thời ngăn chặn các chấn thương về sau. Các nhà vật lý trị liệu có thể cung cấp và hướng dẫn cho bạn các tư thế, bài tập phù hợp để tăng cường và thả lỏng cơ cổ, vai và cánh tay. Các bài tập cũng giúp tăng tính linh hoạt của cột sống và cánh tay.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ:

Khi các liệu pháp khác không có tác dụng hoặc các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ trở nên tệ hơn, các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Tùy theo tình trạng và diễn biến bệnh, các chuyên gia sẽ đề nghị cách phẫu thuật phù hợp:

Loại bỏ đĩa đệm và hàn xương: Đĩa đệm đã thoát vị được loại bỏ, một vật liệu thay thế được đưa vào thế chỗ phần đĩa đệm tổn thương, theo thời gian sẽ hợp với đốt sống cổ phía trên và phía dưới thành một khối xương rắn. Các tấm kim loại, ốc vít có thể được dùng để mang lại sự ổn định trong quá trình tổng hợp.

Thay thế đĩa đệm đã thoát vị: Một đĩa đệm được làm bằng kim loại hoặc nhựa cao cấp được đưa vào cơ thể thay thế đĩa đệm đã thoát vị mà vẫn đảm bảo chuyển động của cổ.

Cắt bỏ vi phẫu xâm lấn tối thiểu: Các ống nhỏ được đưa vào cơ thể và lấy đi các phần đĩa đệm bị vỡ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bị thoát vị đĩa đệm cổ

Theo cơ chế sinh học, đĩa đệm một khi bị thoát vị sẽ không thể nào phục hồi hoàn toàn và trở lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng phương pháp cùng với một chế độ sinh hoạt hợp lý, người bệnh có thể phục hồi đến 80-90%. Chế độ sinh hoạt mà người bệnh thoát vị đĩa đệm cổ có thể cân nhắc bao gồm:

  • Hạn chế các cử động mạnh, đột ngột vùng cổ vai gáy. Tránh các môn thể thao đối kháng,  tập thể dục thường xuyên. Có thể kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng, mát-xa, yoga và vật lý trị liệu.
  • Sử dụng gối có chất lượng tốt, cao vừa phải, giúp nâng đỡ, giảm áp lực cổ trong lúc ngủ. Nệm nằm cũng nên chọn loại không quá lún.
  • Duy trì tư thế làm việc tốt. Thay đổi vị trí bàn, ghế, màn hình máy tính sao cho màn hình máy tính ngang tầm mắt. Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế.
  • Hạn chế uống rượu bia, các thức uống có cồn, không hút thuốc lá.
  • Hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas, các thực phẩm nhiều purin như thịt đỏ, hải sản,… các thực phẩm nhiều omega-6 như dầu hạt ngô, dầu hướng dương,…; bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, các thực phẩm giàu omega-3 như cá ngừ, cá hồi, cá mòi,… các thực phẩm giàu đạm và canxi.
Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi