Ngủ dậy bị đau cổ làm sao để hết đau? Cách phòng tránh

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

đau cổ sau khi ngủ dậy

Chẳng ai muốn thức dậy với một cái cổ đau và mỏi cả, tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 95% dân số đều sẽ ít nhất một lần gặp phải tình trạng này.

Đau cổ hay còn được biết đến với tên sái cổ là thuật ngữ diễn tả các cơn đau vùng cổ hoặc các mô mềm quanh cổ. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến đau cổ sau khi ngủ dậy và cách ứng phó với tình trạng khó chịu này?

Nguyên nhân gây ra các cơn đau vùng cổ sau khi thức dậy

Chúng ta thường không để tâm quá nhiều đến tư thế ngủ và loại gối mình đang sử dụng, nhưng đây lại có thể là khởi phát của đau cổ vai gáy, thậm chí đau lưng và các cơn đau khác. Một nghiên cứu về các ca đau cổ gần đây cho thấy lên đến hơn 5% xuất phát từ các vấn đề khi ngủ. 

Điều đáng mừng là các yếu tố này đều có thể được kiểm soát nhờ việc thay đổi các thói quen thường ngày, từ đó giảm các cơn đau nói chung, trong đó có đau mỏi cổ.

Tư thế ngủ

Mỗi người có tư thế ngủ khác nhau, nhưng hiển nhiên là cổ bạn không thích việc bạn nằm sấp để ngủ. Khi nằm sấp, cổ phải nghiêng về một phía trong nhiều giờ, dẫn đến căng các cơ, dây chằng và khớp cổ, gây ra tình trạng đau và cứng cổ vào sáng hôm sau. 

Thêm vào đó, nằm sấp cũng gây áp lực cho lưng, nhất là khi nệm của bạn quá mềm, vì khi đó, bụng bị đè nén, đẩy áp lực lên cột sống và các cơ ở lưng.

Loại gối bạn đang sử dụng

Đầu và cổ của bạn dành khá nhiều thời gian trên gối nên một chiếc gối có chất lượng tốt, có độ cao phù hợp với đầu bạn là một sự đầu tư chính đáng. 

Một chiếc gối mềm mại vừa đủ, ví dụ gối lông vũ hoặc các loại gối hơi sẽ nâng đỡ đầu và cổ, giảm nguy cơ căng cơ và các cơn đau mỏi sau khi thức dậy.

Các chuyển động đột ngột

Các chuyển động nhanh và mạnh như ngồi bật dậy hoặc vung tay chân khi mơ ngủ có thể làm căng cơ cổ. Lăn, xoay người khi ngủ hoặc cố gắng ngủ cũng có thể gây căng thẳng và áp lực lên cổ, thậm chí làm bong gân cổ.

Các chấn thương trước đó

Một vài chấn thương trong lúc chơi thể thao hoặc làm việc có thể không khiến bạn đau ngay lúc đó. Cơn đau có thể ập đến sau một vài ngày. Nếu gặp phải chấn thương kiểu này, có thể trước khi ngủ bạn vẫn thấy bình thường nhưng cổ bạn sẽ đau ngay khi thức dậy.

Các nguyên nhân khác

Những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra đau cổ khi thức dậy như:

  • Duy trì những tư thế không tốt cho cổ suốt ngày dài, ví dụ lái xe, làm việc với máy tính, điện thoại di động hoặc các thiết bị trong phòng thí nghiệm.
  • Viêm xương khớp xảy ra ở các đốt cột sống trên.
  • Dây thần kinh bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm hoặc các xương ở cổ. 

Làm gì để giảm đau cổ sau khi thức dậy?

Nếu bạn thức dậy với một cơn đau ở cổ mà không gặp phải bất cứ triệu chứng nào khác và cơn đau không kéo dài lâu, dưới đây là một số biện pháp có thể giúp bạn giảm đau cổ mà không cần đến phòng khám:

dùng thuốc điều trị đau cổ chân
  • Chườm đá hoặc túi lạnh vào chỗ đau cổ khoảng 20 phút có thể giúp giảm viêm ở cơ cổ.
  • Nếu cơn đau kéo dài cả ngày hoặc hơn, chườm nóng khoảng 20 phút có thể có tác dụng. biện pháp này giúp làm dịu và thả lỏng cơ bắp.
  • Một số loại thuốc bổ xương khớp hay thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen, Naproxen, Acetaminophen hoặc các miếng dán giảm đau như Salonpas có thể đẩy lùi các cơn đau nhanh chóng.
  • Thực hiện những động tác yoga đơn giản, xoa bóp nhẹ nhàng hoặc đi bộ sẽ giúp máu lưu thông đến cổ, giảm tình trạng căng cơ.
  • Giảm cường độ hoạt động và tránh các cử động nhanh, tốn sức như chơi các môn thể thao đối kháng. Tuy nhiên, bạn nên hoạt động nhẹ nhàng vì việc nằm hoặc ngồi nhiều không những không giúp thuyên giảm đau mỏi cổ mà còn khiến chúng trở nên tệ hơn do cứng cơ.

Phòng ngừa đau cổ sau khi ngủ dậy

Các cơn đau cổ sau khi ngủ dậy không phải cách tốt để bắt đầu một ngày. Chúng làm giảm khả năng linh hoạt, khiến bạn cảm thấy quá mệt mỏi để tiếp tục một ngày dài học tập hoặc làm việc cũng như không thể chơi môn thể thao yêu thích. 

Thay vì nghĩ cách làm giảm các cơn đau, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản sau đây:

  • Không nằm sấp khi ngủ, hãy nằm thẳng, hoặc nghiêng.
  • Nếu ngủ nghiêng, hãy thử đặt một cái gối giữa hai chân, chúng sẽ giúp cổ và cột sống bạn thẳng hàng.
  • Hãy đầu tư cho một cái gối tốt. Một cái gối nhồi lông vũ có thể dễ dàng phù hợp với hình dáng đầu và cổ bạn, tuy nhiên chúng sẽ mất dần hình dáng ban đầu theo thời gian nên hãy cân nhắc thay một cái mới mỗi một hoặc hai năm. 
  • Các loại gối mút (gối memory foam) có thiết kế phù hợp với đầu và cổ bạn có thể giúp giảm áp lực cho các điểm tỳ nén của vai, đầu, gáy trong suốt quá trình ngủ. Tránh sử dụng gối quá cứng hoặc quá cao vì chúng có thể khiến cổ bạn bị cong suốt cả đêm.
  • Một chiếc nệm tốt cũng sẽ giúp nâng đỡ cổ và lưng bạn. Ngủ trên ghế sofa có thể tăng khả năng đau mỏi cổ vào sáng hôm sau.
  • Giữ nhiệt độ nơi ngủ ở mức vừa phải. Ngủ dưới một luồng khí lạnh như máy lạnh, quạt hoặc lỗ thông gió có thể khiến bạn cảm thấy đau cứng cổ sau khi thức dậy.
  • Trong ngày, hãy cố gắng duy trì tư thế đúng khi đi, đứng, ngồi, đặc biệt là khi phải ngồi lâu trước màn hình máy tính hoặc bàn làm việc. 
  • Điều chỉnh vị trí bàn, ghế và màn hình máy tính sao cho màn hình máy tính ngang tầm mắt, đầu gối bạn hơi thấp hơn hông một chút. 
  • Tránh gù lưng hoặc cúi quá nhiều về phía trước. Nếu phải duy trì một tư thế suốt một thời gian dài, hãy cố gắng dành ra những khoảng nghỉ ngắn và làm những động tác thể dục nhẹ nhàng.
  • Tránh kẹp điện thoại giữa tai và vai.
  • Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, trong đó có các cơ ở cổ, đồng thời giúp tăng tuần hoàn máu, thả lỏng cơ bắp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thường thì đau mỏi cổ sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu các cơn đau này không giảm sau vài ngày tự chăm sóc và có xu hướng trở nên tệ hơn, hãy đến phòng khám chuyên môn để các bác sĩ xác định nguyên nhân chính xác và có phương pháp điều trị hợp lý.

Đặc biệt, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu đau mỏi, cứng cổ đi kèm với một trong các triệu chứng sau:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Đau ngực và khó thở
  • Có một cục u ở cổ
  • Việc nuốt trở nên khó khăn
  • Tê bì và ngứa ran ở cánh tay
  • Cơn đau lan xuống tay và chân, các cơ mất sức.
  • Chóng mặt, gặp khó khăn khi di chuyển.

Các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn làm một số bài kiểm tra để biết chính xác rằng cơn đau cứng cổ của bạn liệu có phải triệu chứng của các căn bệnh nguy hiểm như viêm màng não nhiễm khuẩn, viêm tủy xương, nhiễm trùng cột sống, hay có một khối u,… để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi