Gai cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

Hinh-anh-gai-cot-song-lung

Trước đây, gai cột sống được biết đến như căn bệnh của người già. Tuy nhiên, cùng với nhịp phát triển của cuộc sống hiện đại, tỉ lệ người trẻ mắc phải căn bệnh này cũng tăng đáng kể. Vậy thực chất bệnh gai cột sống là gì, nguyên nhân và cách điều trị bệnh gai cột sống là ra sao

Tổng quan về bệnh gai cột sống

Gai cột sống là một bệnh thoái hóa cột sống, dẫn đến sự hình thành các gai xương (mỏm xương hoặc điểm lồi ra tại các khớp) mọc ra từ phía sau hoặc hai bên của cột sống, gây cảm giác đau đớn khi hoạt động, hạn chế cử động, trong trường hợp nặng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Hình ảnh gai cột sống

Bệnh gai cột sống thường xảy đến với người cao tuổi, khi chức năng cơ thể giảm sút. 

Gai cột sống cũng là mối lo của nhiều người trẻ, nhất là những người phải thường xuyên lao động nặng, làm việc trong tư thế bất lợi cột sống như dân văn phòng, nhân viên các phòng thí nghiệm, tài xế, các vận động viên và những người từng gặp các chấn thương mạnh đến cột sống.

Nguyên nhân dẫn đến gai cột sống là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gai cột sống, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chính sau:

  • Viêm xương khớp

Giữa hai đầu xương của cơ thể có một lớp mô mềm bao phủ giúp bảo vệ đầu xương và giảm ma sát giữa các xương khi hoạt động, gọi là sụn. 

Ở người bị bệnh viêm xương khớp, lớp sụn bị bào mòn, khiến đầu xương lộ ra, tiếp xúc và cọ xát trực tiếp vào nhau gây đau đớn. Lúc này theo phản xạ tự nhiên, cơ thể sinh ra phản ứng làm lành phần xương bị tổn thương. 

Các phần sụn, xương khớp bị bào mòn sẽ bị cơ chế này tác dụng. Tuy nhiên quá trình tự chỉnh sửa này lại gây ra phản ứng ngược, hình thành gai xương làm tổn thương các bộ phận khác. 

  • Thoái hóa cột sống

Sự thoái hóa cột sống có thể xảy ra ở một trong các thành phần cấu tạo của cột sống: xương đốt sống, đĩa sụn, các dây chằng bám quanh khớp. 

Quá trình thoái hóa làm mất nước (chiếm 80% trong sụn) và biến đổi một số chất, làm sụn khớp dễ bị calci hóa, calci lắng đọng dưới dạng calcipyrophosphat, hình thành các gai xương. 

  • Đĩa đệm bị tổn thương

Xương sống cổ và lưng thường xuyên phải chịu áp lực do các hoạt động đi đứng của cơ thể, theo thời gian chúng có xu hướng bị thoái hóa. 

Phần bao xơ của đĩa đệm bị nứt, rách khiến đĩa đệm bị xẹp, hai đốt sống liền kề tiếp xúc trực tiếp với nhau và mòn dần do ma sát.

  • Chấn thương

Xương tự tu bổ tạo ra các gai xương sau các tổn thương mạnh như tai nạn, té ngã,… 

Ngoài ra,chấn thương cũng có thể dẫn đến tình trạng lắng đọng calci ở dây chằng đã dày lên do phản ứng viêm.

  • Duy trì các tư thế bất lợi trong thời gian dài

Thường xuyên phải mang vác nặng khiến cột sống gánh áp lực lớn, kích thích chúng mọc gai xương để hỗ trợ. D

Sai tư thế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gai cột sống

Bên cạnh đó, thừa cân, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng và các yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai cột sống. 

Triệu chứng bệnh gai cột sống

Ở giai đoạn đầu, người bệnh gai cột sống thường không có dấu hiệu gì rõ ràng. Tuy nhiên, dần dần, trong quá trình vận động, các gai xương sẽ va chạm vào các xương khác hoặc các mô mềm như dây chằng hoặc dây thần kinh, gây ra các cơn đau nhức, hạn chế vận động ở phần cơ thể bị mọc gai xương. 

Các thuật ngữ như gai cột sống cổ hay gai cột sống lưng được dùng để diễn tả nơi gai xương mọc ra cũng như phần nào chỉ ra vùng bị ảnh hưởng của bệnh gai cột sống. 

Ngoài ra, gai xương cũng có thể mọc ra từ vùng xương cột sống ngực gây ra gai cột sống ngực, tuy nhiên trường hợp này khá ít gặp.

Gai cột sống có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau nhức: Xuất hiện các cơn đau nhức vùng cổ, sau có thể lan ra toàn vùng bả vai, cánh tay, thành chứng đau cổ vai gáy. Trong khi đó, các cơn đau vùng thắt lưng có thể lan xuống vùng mông, đùi, hai chân. 
    Các cơn đau thường xuất hiện sau khi cử động và có xu hướng giảm khi nghỉ ngơi do khi đó các gai xương không còn chạm vào các xương và mô khác.
  • Yếu và teo cơ: Gai xương chèn vào tủy sống gây yếu cơ, giảm khả năng hoạt động và giữ thăng bằng. Lâu dần, người bệnh lười vận động còn dẫn đến teo cơ, thậm chí có nguy cơ bại liệt.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Gai xương nếu đè ép rễ thần kinh có thể dẫn đến tê bì chân tay, tăng tiết mồ hôi, hạ huyết áp, rối loạn phản xạ,…
  • Mất khả năng kiểm soát đại tiểu tiện: Đây được xem như một trong những biến chứng của căn bệnh gai cột sống.

Ngoài ra, gai cột sống cổ còn có thể dẫn đến các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, ù tai, có các tiếng răng rắc, lạo xạo khi xoay cổ, giơ cánh tay, xoay eo, cúi người…

Chẩn đoán bệnh gai cột sống

Các bước đầu tiên để chẩn đoán bệnh gai cột sống là hỏi bệnh sử và khám lâm sàng. 

Bên cạnh đó, do triệu chứng bệnh gai cột sống khá giống một số bệnh về xương khớp khác, một số kiểm tra và xét nghiệm khác có thể giúp bác sĩ xác định liệu một người có đang bị gai cột sống không cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

Các biện pháp cận lâm sàng thường được sử dụng là:

  • Chụp X-quang
  • Chụp CT và cộng hưởng từ (MRI)
  • Xét nghiệm máu
  • Điện cơ ký và kiểm tra vận tốc dẫn truyền thần kinh.

Điều trị bệnh gai cột sống

Một phác đồ điều trị hiệu quả thường là sự kết hợp giữa dùng các thuốc giảm đau, giảm viêm với một chế độ sinh hoạt hợp lý và các biện pháp phục hồi chức năng. 

Phẫu thuật cắt bỏ gai xương được chỉ định trong trường hợp các biện pháp trên không mang lại hiệu quả điều trị hoặc trường hợp gai cột sống chèn ép tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép rễ thần kinh gây ra những biến chứng nặng nề. 

Tuy nhiên, gai xương hoàn toàn có thể mọc lại sau phẫu thuật do đây vốn là một phản ứng rất bản năng của cơ thể trước các kích thích. 

Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid và thuốc giãn cơ như acetaminophen, tramadol, ibuprofen và naproxen có thể giảm nhanh các cơn đau nhức do gai cột sống gây ra. 

Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ.

Các biện pháp phục hồi chức năng như tập thể dục, vật lý trị liệu, kéo giãn cột sống, châm cứu,… sẽ tăng tốc độ hồi phục của bệnh nhân, giảm đau, giảm tê bì tay chân cũng như hạn chế các biến chứng khác. 

Một chế độ sinh hoạt hợp lý cho người bệnh gai cột sống bao gồm nghỉ ngơi hợp lý, thay đổi các tư thế cột sống không tốt kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng rất cần thiết cho việc ngăn bệnh gai cột sống diễn biến xấu hơn cũng như cải thiện chức năng cơ thể.

Gai cột sống vẫn có khả năng mọc lại sau phẫu thuật

Phòng ngừa bệnh gai cột sống 

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gai cột sống là quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể. Đây là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể làm chậm quá trình này cũng như giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của bệnh gai cột sống bằng các thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày như:

  • Giữ cột sống ở tư thế tốt, không ngồi quá lâu không đổi tư thế hoặc gù lưng, gập cổ quá mức,… có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cổ.
  • Tránh các hoạt động quá sức của cơ thể như khuân vác nặng, chơi các môn thể thao quá sức,… dẫn đến tổn thương cột sống.
  • Duy trì cân nặng ở mức cân đối để tránh gây áp lực lên cột sống dẫn đến gai cột sống.
  • Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung thêm calci và các khoáng chất cũng giúp xương khỏe mạnh hơn.
Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi