Đau vai gáy: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

Dau-vai-gay

Đau vai gáy là bệnh lý thường gặp liên quan đến cơ xương khớp. Nó có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống và giấc ngủ của người bệnh. Thậm chí, trong một số trường hợp, khi đau mỏi vai gáy chuyển đến giai đoạn nặng còn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chứng đau vai gáy là bệnh gì?

Vai gáy là vùng chứa nhiều dây thần kinh lớn, động mạch, tĩnh mạch của cơ thể. Khi bộ phận này bị tổn thương sẽ dẫn đến hiện tượng đau nhức, tê mỏi ở vùng cổ, vai và gáy. Trong các nhóm bệnh lý về cơ xương khớp thì đau vai gáy là hội chứng phổ biến hơn cả. Đây là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

dau-gay

Hiện tượng đau mỏi vai gáy thường xảy đến đột ngột mà không có bất kì dấu hiệu báo trước nào. Triệu chứng này thường xuất hiện vào sáng sớm sau khi thức dậy, khi đứng ngồi quá lâu, khi cơ thể nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết; bệnh sẽ giảm dần khi nghỉ ngơi.

Triệu chứng đau vai gáy

Khi bị đau vai gáy, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng khó chịu sau:

  • Cơn đau xuất hiện khi ngủ dậy vào sáng sớm hoặc khi ngồi làm việc quá lâu.
  • Đau vai gáy lan xuống vùng phía dưới khiến cánh tay, bàn tay, ngón tay bị tê mỏi, đau nhức rất khó chịu. Thậm chí khi chuyển sang giai đoạn nặng, bệnh nhân chỉ cần đi lại nhẹ nhàng cũng gây ra hiện tượng đau buốt ở vùng cổ, vai và gáy.
  • Cơ cứng, khó xoay ngang, khó cử động linh hoạt.
  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đi loạng choạng do lượng máu lưu thông lên não giảm.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon, mất ngủ triền miên.

Các triệu chứng đau vai gáy có thể xuất hiện và chấm dứt trong vài phút, vài tiếng hoặc có thể nhiều ngày, thậm chí vài tháng. Lúc này, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh biến chứng nghiêm trọng hơn.

Chẩn đoán và điều trị

Bệnh đau vai gáy diễn tiến theo 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể:

Giai đoạn đầu

Khi bệnh ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy những cơn đau ở vùng cổ, vai và gáy,vùng đầu gần như không thể quay lại phía sau được mà chỉ có thể cử động nghiêng sang trái hoặc phải. Trong trường hợp này, người bệnh có thể làm như sau:

  • Vận động xoay cổ nhẹ nhàng, hạn chế quay đầu.
  • Massage vùng cổ, vai, gáy nhẹ nhàng 10 – 15 phút mỗi ngày, có thể sử dụng thêm tinh dầu thư giãn để đạt hiệu quả cao hơn.
  • Chườm nóng bằng ngải cứu hoặc chườm lạnh bằng đá tại vùng bị đau để các cơ được thư giãn và máu lưu thông tốt hơn.
  • Tắm nước nóng để thư giãn cơ và giảm đau, có thể sử dụng thêm muối và thảo dược để tăng hiệu quả.
  • Chiếu đèn hồng ngoại, kích thích xung điện, kéo dãn cột sống bằng máy.
  • Không ngồi trước quạt điện hoặc điều hòa để tránh tình trạng cứng cơ.
  • Giữ ấm vùng cổ khi ngủ.

Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng đau mỏi vai gáy mới xuất hiện và chỉ ở mức độ nhẹ thì việc áp dụng các biện pháp trên sẽ giúp bệnh nhân tự phục hồi trong khoảng 2 – 3 ngày.

Giai đoạn hai

Bước sang giai đoạn hai, tức là sau khi điều trị bằng các biện pháp trên mà bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh có thể sử dụng thêm một số loại thuốc điều trị sau:

  • Thuốc giảm đau đơn thuần: Paracetamol, Efferalgan.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Neurontin, Tramadol, Propoxyphene.
  • Thuốc giảm đau chống viêm: Ibuprofen, Naproxen, Meloxicam, Piroxicam, Flurbiprofen.
  • Thuốc giãn cơ: Myonal, Mydocalm.
  • Thuốc chống trầm cảm: Amitriptylin
  • Một số vitamin nhóm B: B1, B6 và B12.

Khi sử dụng thuốc, người bệnh tuyệt đối phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh dùng thuốc không đúng liều lượng hoặc không đúng thuốc sẽ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng miếng dán Salonpas trực tiếp trên các vùng cơ bị đau nhức để giảm đau. Lưu ý không sử dụng quá 3 hoặc 4 miếng dán trong một ngày, mỗi miếng dán không sử dụng quá 8 giờ.

Giai đoạn ba

Với các trường hợp đau vai gáy đã bước sang giai đoạn ba, tức là bệnh đã ở mức độ nặng, cần phải sử dụng các biện pháp tác động mạnh hơn, cụ thể:

  • Biện pháp châm cứu: giúp điều hòa lại hoạt động của các dây thần kinh.
  • Biện pháp bấm huyệt: kích thích cơ thể sản sinh endorphin, giúp máu huyết lưu thông thuận lợi.
  • Biện pháp giác hơi: giúp đả thông kinh mạch, hoạt huyết, phục hồi tổn thương.
  • Nhiệt trị liệu: sử dụng nguồn nhiệt nóng giúp nâng cao tuần hoàn, giảm đau, chống viêm.
  • Siêu âm: tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau nhức hiệu quả.
  • Sóng ngắn: sử dụng sóng âm tạo nhiệt nóng, tăng cường chuyển hóa, chống viêm, giảm đau mỏi vai gáy hiệu quả.
  • Phẫu thuật: thường chỉ sử dụng cho các cơn đau vai gáy có nguyên nhân từ bệnh lý hoặc những trường hợp nặng. Nó không phải là cách điều trị tối ưu nhất cho tất cả các trường hợp. Có 2 hình thức phẫu thuật phổ biến hiện nay: dùng laser hoặc phẫu thuật hở.
  • Trị liệu thần kinh cột sống: đây là phương pháp mới, có thể điều trị dứt điểm bệnh đau mỏi vai gáy, đồng thời phục hồi được chức năng các đốt sống bằng cách nắn chỉnh lại đốt sống cổ bị lệch vào đúng vị trí.
  • Sử dụng các thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh như: Lidocain, Novocain… giúp làm mềm cơ, cải thiện tình trạng đau tạm thời.

Phòng ngừa đau vai gáy

Bệnh đau vai gáy thường phổ biến ở nhóm người làm việc văn phòng, lái xe, lao động nặng. Để phòng ngừa bệnh đau mỏi vai gáy có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao bằng những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe và thể chất của bản thân.
  • Chế độ làm việc, ngủ nghỉ hợp lý. Hạn chế thức khuya, làm việc quá sức, sau khoảng 1 tiếng ngồi làm việc nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng và nghỉ giải lao.
  • Ngồi đúng tư thế khi học bài, làm việc. Không cúi đầu quá lâu, cổ luôn giữ thẳng. Đảm bảo vị trí để màn hình máy tính ngang với chân mày, mắt cách màn hình máy tính khoảng 50 cm.
  • Khi ngồi xem tivi hoặc làm việc nên tựa lưng vào đệm. ngả lưng ra sau, tạo cảm giác thoải mái, thư giãn cho vùng cổ, vai và gáy của cơ thể.
  • Không bẻ cổ, lắc cổ quá mạnh khi đang bị mỏi.
  • Tránh ngước nhìn lên cao quá lâu.
  • Khi ngủ nên sử dụng gối mềm, không nên kê gối quá cao (kê gối cao 8 – 9 cm là hợp lý), không nằm chồng nhiều gối lên nhau.
  • Không nằm nghiêng, nằm co quắp.
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung các thực phẩm giàu axit béo omega-3, canxi, kali, rau xanh, chất xơ, trái cây tươi, thực phẩm giàu vitamin nhóm B, C, E…
  • Bổ sung các loại gia vị như: gừng, nghệ, hành, tỏi… trong bữa ăn hàng ngày
  • Không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
  • Kiêng ăn thức ăn nhiều muối.
  • Kiêng ăn đồ cay nóng
  • Kiêng các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, đồ ngọt…
  • Không sử dụng thuốc lá, uống bia, rượu, nước ngọt có ga và các chất kích thích khác.

Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh và điều trị bệnh đau vai gáy. Để phòng ngừa đau mỏi vai gáy hiệu quả, bạn cần tránh mang vác vật nặng, làm việc đúng tư thế, đồng thời thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi