Đau thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

dau-that-lung-2

Đau thắt lưng là bệnh lý nguy hiểm, đáng báo động bởi độ phủ sóng của nó. Đây là căn bệnh phổ biến mà bất cứ ai, không kể tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp, đều có thể mắc phải. Hầu hết các trường hợp đau vùng thắt lưng đều bắt nguồn từ những căn bệnh xương khớp nguy hiểm. Bởi vậy, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để không phải gánh chịu những biến chứng nghiêm trọng.

Vậy, cụ thể đau thắt lưng nguyên nhân do đâu, dấu hiệu là gì, làm thế nào để chẩn đoán và điều trị? Bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Tổng quan về đau thắt lưng

Đau thắt lưng sẽ trở thành căn bệnh mãn tính nếu không điều trị sớm

Đau thắt lưng còn được gọi là đau vùng thắt lưng, đau đốt sống lưng, là tình trạng đau đớn âm ỉ vùng đốt sống L1 kéo đến nếp lằn mông và lan sang hai bên hông. Có khoảng 65 – 80% người trưởng thành mắc bệnh đau thắt lưng cấp tính, tức là bệnh đột ngột xảy ra và phát tác vài lần trong đời. Và khoảng 10% trong số người bệnh đó khi không được điều trị đúng cách đã khiến đau thắt lưng tiến triển thành căn bệnh mãn tính, buộc phải chấp nhận những cơn đau như một phần của cuộc sống. 

Nguyên nhân nào gây ra đau thắt lưng?

Nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân khách quan khác

Đau thắt lưng thường bắt nguồn từ đau cột sống và các căn bệnh xương khớp khác. Trong nhiều trường hợp, đau thắt lưng cũng là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu, hệ thống sinh dục và bệnh dạ dày.

Dù vậy, nguyên nhân dẫn đến đau thắt lưng chủ yếu vẫn là do tuổi tác, thoái hóa cột sống thắt lưng hay thoát vị đĩa đệm, hoặc là hệ quả của tất cả chứng bệnh xương khớp đó. Dưới đây là những nguyên nhân cụ thể gây ra căn bệnh phổ biến này:

Thoát vị đĩa đệm 

Đau thắt lưng có thể là hậu quả của căn bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cột sống lưng

Bệnh lý này gây ra sự đau đớn triền miên và không dễ gì có thể dứt cơn đau ngay lập tức được. Đó là do cấu trúc của cột sống liên đới đến nhiều phần xương, được cấu tạo bởi các ổ xương xếp chồng nên nhau, giữa mỗi ổ đều có một mô đệm. 

Nếu các đĩa đệm này bị tổn thương, chúng có thể phình ra, thoát vị hoặc vỡ nứt, khiến cho các dây thần kinh vùng sống lưng bị chèn ép. Chính tình trạng này gây ra đau vùng thắt lưng và đôi khi người bệnh còn cảm thấy ngứa râm ran và tê cứng vùng lưng.

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng đau thắt lưng. Tình trạng thoái hóa diễn ra khi các sụn bọc khớp bị bào mòn và trở nên khô ráp, sần sùi. 

Trong khi đó, những gai xương ở thân đốt sống vẫn tiếp tục phát triển, chèn vào các lỗ liên hợp và gây ra những cơn đau ngang thắt lưng. Sự đau đớn này có thể diễn ra âm ỉ suốt năm tháng, và cũng có lúc bộc phát đột ngột, dữ dội khiến cho người bệnh quằn quại.

Đau thắt lưng do đau dây thần kinh tọa

Một nguyên nhân gây ra đau thắt lưng là đau dây thần kinh tọa. Dây thần kinh này chạy dọc từ phần lưng dưới đến hai chân, điều khiển chức năng vận động và cảm giác tại khu vực này. 

Đây là dây thần kinh đặc biệt quan trọng, nếu bị chèn ép và viêm nhiễm sẽ sinh ra những cơn đau dữ dội và khiến người bệnh không thể vận động thân dưới một cách bình thường được. 

Phình động mạch chủ

Ngoài những nguyên nhân trên, phình động mạch chủ cũng là một chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra hội chứng đau thắt lưng triền miên. Căn bệnh này xuất hiện khi thành động mạch vùng bụng bị giãn rộng và phình to bất thường. Chính vì thế, cơn đau do phình động mạch chủ xuất hiện, lan ra khắp ổ bụng và vùng thắt lưng. 

Đau thắt lưng trong trường hợp này sẽ diễn ra vô cùng dữ dội và bất thình lình. Nếu nghiêm trọng, phình động mạch chủ có thể bị vỡ, khiến cho nội tạng chảy máu và đe dọa tính mạng của người bệnh. 

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý nêu trên, đau thắt lưng có thể bị gây ra bởi các yếu tố khách quan như sau:

Do tính chất công việc

Người lao động thường xuyên phải vận động mạnh, đặc biệt là gây nhiều áp lực lên vùng thắt lưng, thường xuyên tác động đến cột sống như nâng, kéo, đeo, mang vác vật nặng trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ đau thắt lưng. 

Tương tự, người ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ như nhân viên văn phòng thì cũng sẽ bị những cơn đau vùng thắt lưng hỏi thăm mỗi khi cử động. Đặc biệt, lao động trong tư thế không thoải mái, không chính xác cũng sẽ khiến cột sống lưng bị vẹo và hiện tượng đau thắt lưng bên trái, phải rất dễ xảy ra. 

Do thừa cân, béo phì

Người thừa cân béo phì chắc hẳn có chế độ dinh dưỡng không mấy lành mạnh. Thường xuyên hấp thụ mỡ béo động vật, sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất bảo quản mà không sử dụng thực phẩm lành mạnh không chỉ làm tăng lượng mỡ thừa mà còn làm giảm sức khỏe xương khớp. 

Hệ thống xương khớp của cơ thể phải chịu đựng áp lực lớn, trong khi các chất béo và mỡ thừa sinh ra trong cơ thể lại luôn lăm le kích hoạt tình trạng sưng viêm các khớp, tất cả khiến cho nguy cơ đau thắt lưng tăng cao.

Triệu chứng đáng chú ý khi đau thắt lưng

Cơn đau dữ dội đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài

Đau thắt lưng thường có 2 biểu hiện là đau cấp tính và mãn tính. Đau thắt lưng cấp tính xảy ra đột ngột và dữ dội, khiến cho người bệnh không thể cử động được, thậm chí phải nằm yên một vị trí để dứt cơn đau. 

Còn bệnh mãn tính thì đau âm ỉ kéo dài, càng vào mùa lạnh càng khó chịu hơn. Căn bệnh này gây đau lưng dưới, khoảng 1/3 dưới lưng, chính giữa cột sống hoặc hai bên thắt lưng. Bệnh càng nghiêm trọng thì đau càng lan rộng. 

Và nếu như ngoài những cơn đau kể trên, người bệnh còn gặp phải những triệu chứng sau đây thì ngay lập tức hãy tìm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và thăm khám:

  • Suy nhược cơ thể, sụt cân trầm trọng
  • Sốt nhẹ dai dẳng
  • Vùng lưng bị viêm sưng
  • Đau lan xuống cả hai chân
  • Mới điều trị chấn thương vùng lưng
  • Không thể kiểm soát tiểu tiện và đại tiện
  • Bộ phận sinh dục bị tê
  • Khu vực hậu môn bị tê

Nếu không thể điều trị đau thắt lưng, sinh hoạt thường ngày của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Người bệnh sẽ luôn gặp khó khăn và đau đớn khi đứng lên, ngồi xuống, xoay mình hay thực hiện các thao tác thông thường khác. 

Ngoài ra, nếu đau thắt lưng gây ra bởi bệnh lý xương khớp mà không được ngăn chặn kịp thời, người bệnh có khả năng lãnh những biến chứng đáng sợ như teo cơ đùi, teo cơ cẳng chân, rối loạn bài tiết và nặng nề nhất là liệt.

Chẩn đoán bệnh lý đau lưng

Cần phải chẩn đoán bệnh sớm trước khi đau thắt lưng chuyển biến thành căn bệnh mãn tính. Tại các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được hỏi thăm về bệnh sử, cụ thể là người bệnh đã từng phải điều trị chấn thương vùng thắt lưng chưa, người bệnh đã bị đau vùng thắt lưng trong thời gian dài hay chưa, hoặc trong gia đình người bệnh đã có ai từng mắc bệnh xương khớp hay chưa.

Sau khi hỏi về tiền sử bệnh tật và xem xét các triệu chứng hiện có thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm và chụp chiếu để có thêm thông tin về tình trạng các mô và xương lưng. Hiện có 3 phương pháp để chẩn đoán bệnh đau thắt lưng là:

Chụp X-quang: Xem xét tình trạng liên kết của xương vùng cột sống và thắt lưng, tìm kiếm dấu hiệu viêm khớp hoặc gãy xương.

Chụp MRI: Cho thấy hình ảnh của các mô, cơ, tình trạng dây chằng, mạch máu và xương vùng cột sống, thắt lưng.

Điện cơ: Kỹ thuật ứng dụng để đo các xung điện của dây thần kinh truyền đến cơ bắp. Nếu có vấn đề với dây thần kinh, có thể người bệnh đau thắt lưng là do thoát vị hoặc hẹp ống sống.

Trong một số trường hợp đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm máu để xem xem có bị nhiễm trùng hay không.

Điều trị đau thắt lưng

Điều trị tại nhà hoặc can thiệp phẫu thuật

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của đau thắt lưng mà người bệnh có thể điều trị tại nhà và can thiệp phẫu thuật để giảm triệu chứng cũng như phục hồi chức năng cho xương khớp vùng thắt lưng. 

Điều trị tại nhà

Ở mức độ nhẹ hoặc cấp tính, người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm không chứa steroid để giảm đau. Kèm theo là áp dụng chườm nóng, chườm lạnh để tình trạng đau đớn không xảy ra bất ngờ nữa. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi điều độ, không hoạt động quá sức mà chỉ nên vận động nhẹ nhàng để cải thiện sức mạnh cho cơ bắp.

Điều trị y tế

Đối với trường hợp bệnh nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho người bệnh, đồng thời khuyến nghị ứng dụng vật lý trị liệu để giảm đau. Kèm theo là các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ vùng lưng, bụng, tăng sự dẻo dai cho các khớp xương khu vực này. 

Phẫu thuật cho đau lưng

Trong trường hợp đau thắt lưng quá nghiêm trọng, thường gây ra do các bệnh lý điển hình như thoát vị đĩa đệm thì người bệnh có thể cần phải phẫu thuật. Thông thường là phẫu thuật Fusion giúp chèn các mảnh xương giữa các đốt sống và nẹp chúng lại bằng kim loại. 

Phương pháp khác là thay mới đĩa đệm bằng cách chèn đĩa đệm nhân tạo vào giữa hai đốt sống. Nếu địa đệm chèn vào dây thần kinh làm suy giảm chức năng của cơ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt bỏ địa đệm. Và một loại phẫu thuật nữa là bỏ một phần đốt sống nếu nó chèn ép lên tủy sống của người bệnh.

Phòng ngừa đau thắt lưng

Chú ý tư thế vận động và vấn đề dinh dưỡng

Để không bị đau thắt lưng, bạn hãy chú ý rèn luyện thân thể, duy trì sức khỏe cho xương khớp và cải thiện chế độ dinh dưỡng.

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục và vận động thân thể thường xuyên sẽ giúp duy trì sức mạnh cho các cơ, giúp cho các khớp xương dẻo dai, linh hoạt và giúp bạn kiểm soát được cân nặng của mình. 

Cải thiện tư thế vận động

Trong mọi thao tác đứng, ngồi, nằm hay vận động, bạn cần chú ý thực hiện đúng tư thế để hệ thống xương khớp trong cơ thể được cân bằng.

Chế độ ăn uống

Hãy đảm bảo chế độ dinh dưỡng của bạn không bao giờ thiếu hụt canxi, vitamin D, omega-3 và các loại kháng chất cần thiết cho sức khỏe xương khớp. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu và thuốc lá.

Đau thắt lưng không phải là căn bệnh hiếm gặp. Có lẽ vì thế mà nhiều người vẫn còn thờ ơ, chủ quan trước những dấu hiệu bệnh, để rồi đến khi bệnh trở nặng thì trở tay không kịp. 

Bài viết trên đây đã chia sẻ những nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả mà căn bệnh này gây ra. Hy vọng rằng bạn sẽ chú ý đến sức khỏe của bản thân hơn ngay từ lúc này, để không phải gánh chịu những hệ quả nhức nhối mà căn bệnh đau xương khớp gây ra! 

Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi