Đau cổ: Triệu Chứng, chẩn đoán và điều Trị sái cổ

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

dau-co

Tổng quan về đau cổ (sái cổ)

Đau cổ hay còn được biết với tên sái cổ, diễn tả tình trạng cổ và các vùng xung quanh cổ bị đau, nhức do các tổn thương đốt sống cổ, đĩa đệm giữa các đốt sống và các mô mềm (cơ, gân cơ, dây chằng).

Sái cổ là hiện tượng phổ biến, theo thống kê, khoảng 95% dân số bị sái cổ trong đời. Tuy không để lại di chứng nghiêm trọng, đau mỏi cổ lại gây ra nhiều bất tiện cho sinh hoạt.

Nguyên nhân dẫn đến đau cổ

Cổ là một bộ phận linh hoạt, giúp nâng đỡ trọng lượng của đầu. Tuy nhiên chúng khá dễ bị ảnh hưởng bởi các tổn thương, những tổn thương này sẽ dẫn đến đau, giảm chức năng của cổ. các nguyên nhân dẫn đến đau cổ bao gồm:

Căng cơ: làm việc nhiều giờ với máy tính, điện thoại hoặc các công việc trong phòng thí nghiệm yêu cầu cúi nhiều có thể dẫn đến căng cơ, là ngọn nguồn các cơn đau mỏi ở cổ. Thậm chí những việc nhỏ như nằm đọc sách hoặc nghiến răng cũng có thể dẫn đến đau cổ.

Thoái hóa khớp: giống như bất cứ khớp nào trong cơ thể, khớp xương cổ sẽ thoái hóa dần theo thời gian. Viêm xương khớp khiến lớp sụn bao bọc các đầu xương mòn đi, mất khả năng cử động linh hoạt và gây đau.

Các dây thần kinh bị đè nén: thoát vị đĩa đệm hoặc xương kích thích ở đốt sống cổ có thể đè vào các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống.

Chấn thương: các va chạm từ phía sau khiến cổ bị giật ngược về phía sau rồi ngả về phía trước cũng gây ra những cơn đau vùng cổ.

Các bệnh lý khác: một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm màng não hoặc ung thư cũng có thể gây ra đau cổ vai gáy.

Triệu chứng bệnh đau cổ

  • Các cơn đau mỏi diễn ra khi duy trì cổ ở một tư thế, ví dụ làm việc với máy tính hoặc lái xe.
  • Giảm sự linh hoạt của cổ, mỏi cổ, khó quay đầu về sau, thường chỉ quay được về một bên.
  • Đau đầu.
  • Giảm sức ở các cơ cánh tay và chân.

Phần lớn các cơn đau cổ có thể được cải thiện với các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các cơn đau do di chứng từ các chấn thương trước đó, ví dụ tai nạn xe, nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.

Hãy đi khám ngay nếu các cơn đau vùng cổ của bạn:

  • Trở nên nghiêm trọng.
  • Kéo dài vài ngày không giảm.
  • Lan rộng xuống vùng tay và chân.
  • Dẫn đến các cơn đau đầu, tê cứng, thậm chí ngứa ran.
  • Chẩn đoán xác định bệnh đau cổ

Phần lớn các vấn đề về cổ có thể được chẩn đoán và điều trị dựa trên các triệu chứng và khám lâm sàng mà không cần các kiểm tra chuyên môn khác. Bạn nên mô tả chi tiết tất cả triệu chứng mình gặp phải để bác sĩ có phán đoán tốt hơn.

Trong một số trường hợp, để biết chính xác nguyên nhân gây ra đau cổ, các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm các bài kiểm tra:

  • Chụp X-quang
  • Kiểm tra máu
  • Chụp CT trong trường hợp nghi ngờ gãy xương.
  • Chụp MRI cho ra hình ảnh rõ ràng về các mô mềm quanh cổ.
  • Điện cơ ký giúp bác sĩ kiểm tra sức khỏe cơ bắp và các dây thần kinh kiểm soát cơ bắp của bạn.

Điều trị đau cổ

Các phương pháp tự điều trị tại nhà kết hợp với chế độ nghỉ ngơi có thể xóa bỏ phần lớn các cơn đau cổ. Tuy nhiên, nếu cơn đau không dứt hoặc diễn biến phức tạp, bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận các lời khuyên, các phương pháp trị liệu khác và được tư vấn các thuốc giảm đau nếu cơn đau dữ dội.

Một số phương pháp tự điều trị có thể kể đến như:

  • Hạn chế các môn thể thao, hoạt động mạnh để tránh tăng cơn đau.
  • Chườm nóng và lạnh luân phiên, kết hợp xoa bóp.
  • Các bài tập thể dục nhẹ cho vùng cổ.
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không chứa Steroid, miếng dán giảm đau. 
    Tuy nhiên, sử dụng thuốc nhiều có thể dẫn đến nhờn thuốc, đồng thời ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như gan, thận, dạ dày. Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc khác nên tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Đối với các trường hợp nặng hơn có thể dùng vật lí trị liệu, châm cứu và các thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh. Lưu ý những phương pháp này cần các chuyên gia, có kiến thức chuyên môn.

Phòng ngừa bệnh đau cổ

Hầu hết các cơn đau cổ liên quan đến các tư thế không phù hợp cùng với sự thoái hóa do tuổi tác. Để hạn chế đau nhức, bạn nên giữ cổ thẳng trên cột sống. Những thay đổi đơn giản trong thói quen sinh hoạt cũng giúp ngăn các cơn đau:

  • Giữ tư thế tốt: Khi ngồi hoặc đứng, hãy chắc rằng hai vai bạn thẳng nhau, song song với hông còn tai thẳng với vai.
  • Nghỉ giải lao: Nếu bạn thường xuyên phải làm việc với các tư thế cổ bất lợi, hãy có những khoảng nghỉ ngắn, đứng dậy, xoa bóp và tập thể dục nhẹ nhàng.
  • Điều chỉnh vị trí bàn, ghế và máy tính sao cho màn hình máy tính ngang tầm mắt, đầu gối bạn hơi thấp hơn hông một chút. Ghế cũng nên chọn loại thoải mái.
  • Hạn chế kẹp điện thoại giữa tai và vai trong thời gian dài. Nếu tay bạn không rảnh có thể sử dụng tai nghe thay thế.
  • Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ nó. Thuốc lá có thể gia tăng nguy cơ hình thành các cơn đau cổ.
  • Tránh mang túi xách, ba lô hoặc dây chuyền quá nặng. Chúng sẽ gia tăng áp lực lên khớp cổ.
  • Ngủ đúng tư thế. Không dùng gối quá thấp hoặc quá cao, quá cứng để tránh làm cong vẹo cổ, mỏi cổ vào sáng hôm sau.
Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi