Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa hay còn gọi là dây hông to, là dây thần kinh dài nhất cơ thể, kéo dài từ tủy sống đến hông và chạy tiếp xuống mặt sau của cẳng chân đến tận các ngón chân.
Khi dây thần kinh tọa gặp phải các kích thích, ví dụ bị tổn thương, chèn ép, chúng gây ra các triệu chứng đau, viêm, sưng, tê ở nơi bị ảnh hưởng, gọi chung là đau thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa thường cải thiện sau 4-8 tuần điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm và đúng cách, đau thần kinh tọa có thể dẫn đến các biến chứng như hạn chế vận động, hoặc mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Đối tượng có nguy cơ cao bị đau thần kinh tọa là người trung niên và lớn tuổi, khi chức năng cơ thể suy giảm, xương khớp bị thoái hóa. Những người có vấn đề về cân nặng như thừa cân, béo phì hoặc phụ nữ đang mang thai, cột sống phải chịu áp lực lớn cũng là đối tượng dễ bị đau thần kinh tọa. Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường lâu năm có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, thường phải gánh chịu các cơn đau thần kinh tọa.
Nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép. Nguyên nhân thường thấy nhất của sự chèn ép này là:
- Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm là một bộ phận nằm giữa hai đốt sống, hoạt động như một bộ giảm xóc, giúp hai đốt sống không ma sát trực tiếp lên nhau khi cử động. Cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc do các chấn thương, đĩa đệm lồi ra, thoát vị, chèn ép dây thần kinh tọa, gây nên các cơn đau.
- Gai cột sống: Theo thời gian hoặc dưới tác động của các lực, cột sống dần bị thoái hóa. Cơ chế tự nhiên của cơ thể dẫn đến sự hình thành các gai xương tại các đĩa đệm, đốt sống hoặc dây chằng để giảm bớt áp lực cho cột sống. Tuy nhiên, cơ chế tự chữa lành này lại gây ra các hệ lụy khó chịu khi các gai xương mới hình thành đâm ra, chèn ép các dây thần kinh và đốt sống, trong đó có dây thần kinh tọa.
- Hiếm gặp hơn là trường hợp dây thần kinh tọa bị chèn ép do một khối u, cơ, hoặc do tổn thương từ các bệnh lý khác, ví dụ bệnh tiểu đường, hẹp ống sống.
Triệu chứng của đau thần kinh tọa ra sao?
Biểu hiện thường thấy nhất của đau thần kinh tọa là các cơn đau nhức lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, gồm:
- Đau lưng dưới
- Đau ở mông và chân. Cơn đau có thể tệ hơn khi ngồi.
- Đau hông
- Có cảm giác nóng, ngứa ran lan xuống chân.
- Yếu, tê cứng, khó cử động chân và bàn chân.
- Các cơn đau liên tục ở một bên mông.
- Các cơn đau đột ngột ở chân khiến người bệnh khó đứng dậy.
Thông thường, đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên phần dưới của cơ thể. Các cơn đau thường kéo dài từ lưng dưới ở phía sau đùi, lan xuống một trong hai chân. Tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh tọa bị ảnh hưởng, cơn đau cũng có thể lan đến tận bàn chân và ngón chân.
Chẩn đoán đau thần kinh tọa như thế nào?
Để xác định đau thần kinh tọa, các bác sĩ sẽ bắt đầu với việc xem xét bệnh sử. Họ có thể đặt câu hỏi về chứng đau lưng của bạn, lối sống và nghề nghiệp cũng như tiền sử gia đình từng có người mắc bệnh về xương khớp không.

Họ cũng sẽ kiểm tra thể chất của bạn để xác định xem dây thần kinh nào gây nên các cơn đau. Một số bài tập có thể được yêu cầu thực hiện để xem liệu chúng có làm cơn đau tồi tệ hơn không, chẳng hạn, ngồi xổm, đi bằng đầu ngón chân hoặc gót chân, nâng một chân trong khi đang nằm ngửa.
Tiếp đến, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT và MRI để xác định nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm hay sự hình thành các gai xương. Trong khi đó, điện cơ (EMG) cho thấy vị trí các dây thần kinh bị chèn ép.
Cách chữa đau thần kinh tọa
Mặc dù đau thần kinh tọa gây ra nhiều đau đớn và phiền phức thì may mắn là có nhiều phương pháp để điều trị đau thần kinh tọa. Hầu hết các trường hợp đau thần kinh tọa không cần phẫu thuật và khoảng một nửa số đó có thể đỡ hơn trong 6 tuần chỉ với nghỉ ngơi và uống thuốc.
Vậy, bạn cần làm gì sau khi bác sĩ chẩn đoán đau thần kinh tọa?
Hầu hết người bệnh đau thần kinh tọa sẽ đỡ hơn trong một vài tuần với các biện pháp chăm sóc phục hồi tại nhà. Nếu các cơn đau của bạn không quá trầm trọng đến mức ngăn cản bạn thực hiện các công việc hằng ngày, bạn có thể thử xem xét các phương pháp sau đây:
Sử dụng thuốc Tây
Các thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, aspirin, ibuprofen và naproxen có thể hữu ích trong việc giảm các cơn đau một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, không nên sử dụng chúng trong thời gian dài mà không tham khảo ý kiến chuyên gia.

Trong trường hợp nặng hơn, các bác sĩ có thể kê đơn các thuốc giãn cơ mạnh hơn hoặc các thuốc chống viêm. Thuốc trầm cảm và thuốc chống động kinh cũng có tác dụng trong một số trường hợp.
Một lựa chọn khác là tiêm Steroid trực tiếp vào dây thần kinh bị kích thích.
Vật lý trị liệu
Nguyên tắc cơ bản của vật lý trị liệu là giúp thả lỏng và tăng cường sức mạnh cơ bắp, tăng tuần hoàn máu, từ đó làm dịu các cơn đau. Các biện pháp vật lý trị liệu giúp chữa đau thần kinh tọa là:
- Các bài tập thể dục và các động tác giãn cơ. Các triệu chứng viêm có thể giảm bớt khi bạn tập thể dục, vì thế, đi bộ ngắn, yoga hoặc bơi lội có thể là một ý hay. Các động tác kéo giãn phần lưng dưới cũng giúp giảm các cơn đau thần kinh tọa cũng như tăng cường sức dẻo dai cơ bắp. Các bài tập nên được đưa ra và theo dõi bởi các chuyên gia vật lý trị liệu để chắc rằng bạn không làm tổn thương mình thêm nữa.
- Chườm lạnh và nóng luân phiên cũng giúp giảm đau tạm thời, thả lỏng cơ bắp, tăng tuần hoàn máu. Liệu pháp này sẽ phát huy tác dụng tối ưu hơn nếu kết hợp cùng xoa bóp nhẹ nhàng.
- Ngoài ra, các liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt,… cũng có thể giúp giảm các cơn đau thần kinh tọa.
Phẫu thuật
Chỉ khoảng 5-10% các trường hợp đau thần kinh tọa cần phẫu thuật. Đây là biện pháp cuối cùng, khi các biện pháp chữa trị phục hồi không đem lại kết quả, thậm chí các cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Trong một số ít trường hợp, đau thần kinh tọa dẫn đến hội chứng đuôi ngựa, kết quả là bạn mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang, không khống chế được khả năng đại tiểu tiện. Đây là một tình huống cần phẫu thuật gấp.

Nếu bạn bị đau thần kinh tọa ở trường hợp nhẹ nhưng vẫn tiếp tục đau sau hơn 3 tháng điều trị nghỉ ngơi và uống thuốc, bác sĩ cũng có thể sẽ đề nghị phẫu thuật.
Mục tiêu chính của các phẫu thuật là loại bỏ những tác nhân chèn ép vào dây thần kinh tọa, thường là đĩa đệm bị thoát vị và các gai xương. Trong một số ít trường hợp, các bác sĩ phải loại bỏ hoàn toàn một đĩa đệm để giải quyết vấn đề.
Một số thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến bệnh đau thần kinh tọa:
- Duy trì các tư thế tốt, hạn chế mang vác nặng.
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân, béo phì.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, omega-3, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn.
- Tập thể dục vừa sức. Các cơn đau thần kinh tọa có thể khiến bạn theo bản năng hạn chế vận động. Tuy nhiên, nằm hoặc ngồi nghỉ quá lâu không những không giúp ích trong việc phục hồi mà còn làm tình hình tệ hơn vì máu huyết không lưu thông, cơ bắp dần yếu.
- Luôn hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng đau viêm để tránh các tác dụng phụ đáng tiếc.
- Khám định kỳ sẽ giúp các bác sĩ theo dõi tiến trình bệnh cũng như kịp thời phát hiện các biến chứng và điều chỉnh phác đồ trị liệu.