Bệnh gai cột sống có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Thông tin kiểm chứng bởi Lê Văn Vinh
reviewer avatar

Lê Văn Vinh

Bác sĩ Lê Văn Vinh, làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn, chuyên khoa cơ xương khớp. Hiện đang phụ trách cố vấn nội dung cho website Sức Khỏe Khớp.

bệnh-gai-cột-song

Bệnh gai cột sống gây ra nhiều đau nhức, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy cho cả người bệnh và thân nhân. Tuy nhiên, gai cột sống thực ra là gì, bệnh nguy hiểm như thế nào và bệnh gai cột sống có chữa được hay không, lại là những câu hỏi không phải ai cũng trả lời được. 

Bệnh gai cột sống là gì?

Gai cột sống hay còn được nhiều người gọi là cột sống mọc gai, là một bệnh về xương khớp gây nên bởi quá trình thoái hóa cột sống

Theo thời gian hoặc dưới tác động của các lực, cột sống dần thoái hóa, cơ chế tự chữa lành tự nhiên của cơ thể dẫn đến việc hình thành các gai xương (các mỏm xương hoặc các điểm lồi ra từ các khớp) ở trên các đốt sống, đĩa đệm hoặc dây chằng để giảm áp lực cho cột sống. 

Tuy nhiên, cơ chế này lại dẫn đến tác dụng phụ là gai xương đâm vào các xương khác hoặc các mô mềm như dây chằng, dây thần kinh,… 

Thường thấy nhất là các gai xương mọc ra từ phía trước và hai bên của các đốt sống cổ và lưng. Cũng từ đây, các cơn đau, nhức, tê bì và các biến chứng khác bắt đầu.

Bệnh gai cột sống thường xảy ra ở cổ và lưng

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh gai cột sống?

Bệnh gai cột sống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Theo thống kê, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh gai cột sống là:

  • Thoái hóa tự nhiên: Theo thời gian, cùng với sự lão hóa của cơ thể là sự yếu đi của cột sống. Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống rất cao.
  • Viêm xương khớp và viêm gân kích thích các tế bào tạo xương, dẫn đến thừa xương, làm đầu các xương trở nên gồ ghề, mọc gai xương dẫn đến gai cột sống.
  • Đĩa đệm giữa các khớp bị tổn thương, rách, nứt, xẹp xuống khiến dây chằng bị chùng, phản ứng tự nhiên của cơ thể là hình thành gai xương giúp dây chằng dày lên, chống đỡ cơ thể.
  • Sự lắng đọng Calci: Quá trình thoái hóa khiến nước mất đi (nước chiếm 80% sụn) và làm biến đổi một số chất khác, khiến xương dễ bị Calci hóa, lắng đọng Calci quanh xương và các khớp, hình thành gai xương. 
  • Chấn thương mạnh: Gai xương có thể là sản phẩm phụ trong quá trình tự tu bổ xương của cơ thể sau các chấn thương như va chạm, tai nạn, té ngã,…

Ngoài ra, gai cột sống còn có thể là kết quả quá trình sinh hoạt, làm việc sai tư thế hoặc lao động nặng trong thời gian dài.

Béo phì, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thiếu chất dinh dưỡng hoặc di truyền, các dị tật cột sống bẩm sinh cũng được xem là góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh gai cột sống.

Triệu chứng của bệnh gai cột sống

Gai cột sống thường diễn ra ở các vùng thường xuyên phải vận động như cổ và lưng. Các thuật ngữ như gai cột sống cổ, gai cột sống lưng hay gai cột sống ngực (rất ít gặp) là để chỉ vùng gai cột sống mọc ra và gây ảnh hưởng.

Các triệu chứng cơ bản của gai cột sống thường là đau nhức, hạn chế vận động, tê bì chân tay,… về cơ bản, triệu chứng của bệnh gai đốt sống rất dễ nhầm với triệu chứng các bệnh khác.

Nếu bệnh nhân bị gai cột sống cổ có thể sẽ gặp các cơn đau vùng cổ, lan ra bả vai, gáy, thậm chí cả cánh tay. Các cử động vùng cổ và cánh tay bị hạn chế. Nếu gai xương đè vào rễ thần kinh, người bệnh có thể bị tê bì, yếu cơ cánh tay.

Nếu gai cột sống ảnh hưởng vùng thắt lưng, người bệnh dễ gặp các cơn đau tại thắt lưng, tăng khi vận động như đi đứng, xoay người,… và có xu hướng giảm khi nghỉ ngơi.

Trong các trường hợp nặng, gai cột sống chèn ép dây thần kinh có thể gây rối loạn thần kinh thực vật, tụt huyết áp, tăng tiết mồ hôi, khả năng giữ thăng bằng giảm, hoa mắt, nhức đầu do rối loạn tiền đình.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, gai cột sống khi hình thành có thể chèn ép vào tủy sống và rễ thần kinh, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh gai cột sống

Thoát vị đĩa đệm: Gai xương có thể làm rách bao xơ đĩa đệm chỗ đốt sống nó mọc ra, gây tràn nhân nhầy, hình thành khối thoát vị. Khối thoát vị này cùng với các gai xương tiếp tục chèn ép tủy và các mô mềm xung quanh, gây nên các cơn đau nhức dữ dội cùng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý khác.

Đau thần kinh liên sườn có thể dẫn đến liệt là một trong những biến chứng nguy hiểm của gai cột sống

Đau thần kinh tọa: Gai cột sống thắt lưng khi chèn ép dây thần kinh tọa sẽ gây ra cảm giác đau nhức, tê chân, lâu ngày gây teo và yếu cơ, cuối cùng là liệt hai chân.

Đau thần kinh liên sườn: Các cơn đau thường xuyên và liên tục dọc theo các dây thần kinh liên sườn có thể khiến các công việc hàng ngày của người bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần.

Tê liệt: Dây thần kinh bị chèn ép hoặc tủy sống bị tổn thương, dẫn đến mất khả năng truyền tín hiệu, gây tê liệt các cơ quan ở khu vực phần tủy sống đó chi phối. Biến chứng này khiến nhiều người bị liệt hoàn toàn, một số khác vẫn còn khả năng di chuyển nhưng lại mất cảm giác ở các chi, làm này sinh nhiều vấn đề sức khỏe và tâm lý khác. 

Một biến chứng nặng nề khác của bệnh gai cột sống nữa là rối loạn đại tiểu tiện. Người bệnh có thể không cảm thấy buồn tiểu dù bàng quang đã đầy nước, hoặc đại tiểu tiện không khống chế được.

Chẩn đoán bệnh gai cột sống 

Ngoài bệnh sử và khám lâm sàng, một số bài kiểm tra và xét nghiệm cũng sẽ được yêu cầu nhằm chẩn đoán bệnh gai cột sống:

  • Điện cơ ký (EMG) và xét nghiệm dẫn truyền thần kinh (EMG/NCV) giúp xác định mức độ ảnh hưởng của dây thần kinh đến các cơ, mức độ hoạt động của các dây thần kinh và vị trí bị chèn ép.
  • Chụp X-quang nhằm xác định vị trí và mức độ tổn thương của xương cũng như sự hình thành gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI cho ra hình ảnh chính xác về các mô mềm như dây chằng, sụn, dây thần kinh.
  • Xét nghiệm máu giúp loại trừ các nguyên nhân khác.

Điều trị bệnh gai cột sống như thế nào? 

Nếu hỏi bệnh gai cột sống có thể chữa hoàn toàn được không, thì câu trả lời là không. Giống như hầu hết bệnh xương khớp khác, một khi bị tổn thương, chúng không bao giờ có thể trở lại như ban đầu. 

Thế nhưng, các biện pháp điều trị bệnh gai cột sống có thể giảm các triệu chứng đau đớn khó chịu cũng như hạn chế các biến chứng về sau. Mức độ hồi phục của người bệnh gai cột sống có thể lên đến 80-90% nếu được phát hiện sớm cũng như có các biện pháp điều trị hợp lý.

Dựa trên các kết quả chẩn đoán bệnh gai cột sống, các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp:

Sử dụng thuốc Tây

Các loại thuốc giảm đau, chống viêm không steroid như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac, nhóm Corticoid hay nhóm Vitamin B như B1, B2, B6,… sẽ giúp ích trong các trường hợp đau nhức, tê bì.

Trong một số trường hợp, thuốc giãn cơ và một số loại thuốc trầm cảm cũng được bác sĩ chỉ định.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý tuân theo hướng dẫn sử dụng và chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ của thuốc hoặc dùng sai chức năng thuốc. Sử dụng quá nhiều các loại thuốc này cũng có thể dẫn đến nhờn thuốc và ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận khác của cơ thể như gan, thận, dạ dày,…

Các biện pháp vật lý trị liệu

Sử dụng thuốc Tây có thể giảm các triệu chứng đau tức thời nhưng không thể điều trị gốc rễ bệnh gai cột sống. Thế nên, cần kết hợp với các biện pháp phục hồi khác như tập luyện, vật lý trị liệu, châm cứu,… 

Thoái-hóa-cột-sống-thắt-lưng3
Vật lý trị liệu giúp cải thiện chức năng cơ thể và tăng quá trình phục hồi

Các biện pháp này có thể thực hiện lâu dài, có thể giúp kéo giãn cột sống, đả thông kinh lạc. Bên cạnh đó, phương thức này giúp khôi phục tính linh hoạt và sức mạnh các vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi gai cột sống. Chúng cũng giúp cải thiện tư thế trong các trường hợp biến chứng của gai cột sống gây ra gù, vẹo, mất đường cong sinh lý.

Chế độ sinh hoạt hợp lý

Một chế độ sinh hoạt hợp lý cùng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất vừa giúp bệnh gai cột sống không trở nên trầm trọng hơn vừa đẩy nhanh tốc độ phục hồi của cơ thể.

Người bệnh gai cột sống nên tránh các cử động mạnh, bất chợt, thay đổi các tư thế sai, hạn chế mang vác nặng. Bên cạnh đó cũng cần nghỉ ngơi hợp lý.

Các thực phẩm bổ sung calci và vitamin D giúp tăng cường sức mạnh xương cũng sẽ giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh gai cột sống. 

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường chỉ được chỉ định trong trường hợp các biện pháp điều trị trên không đem lại kết quả, hoặc trong trường hợp tủy sống bị chèn ép gây hẹp ống tủy hoặc gai xương chèn ép vào các dây thần kinh.

Một số phương pháp mổ gai cột sống phổ biến có thể kể đến là:

  • Mổ cắt gai cột sống
  • Mổ cắt bỏ lá cột sống
  • Phẫu thuật cấy miếng gan mỏm gai

Phẫu thuật gai cột sống thường khá an toàn, tỉ lệ thành công lên đến 85%, tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể xuất hiện một vài biến chứng như nhiễm trùng vết mổ, da phản ứng với các thuốc tiêm trong quá trình phẫu thuật gây ngứa râm ran, vết mổ lâu lành gây đau,…

Thực tế, việc hình thành gai cột sống là một cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể trước các tổn thương về xương khớp. Thế nên, gai cột sống hoàn toàn có thể xuất hiện lại sau phẫu thuật nếu tình trạng tổn thương xương vẫn tiếp tục. 

Do vậy, việc thay đổi các thói quen ăn uống, sinh hoạt là rất cần thiết, các biện pháp tập luyện, phục hồi chức năng cũng có thể giúp ích cho bệnh nhân mắc bệnh gai cột sống.

Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp các bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh cũng như kịp thời phát hiện các bệnh lý khác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Hoặc để lại thông tin để được tư vấn trong thời gian sớm nhất
Gọi ngay cho chúng tôi